“Chuông chùa cảnh tĩnh người trần thế. Đem đến an vui cho mọi nhà”.
Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Phật pháp.
Song bà Hoàng hậu tên Hy Thị, được vua yêu quý nhất tánh lại độc ác và luôn tìm cách huỷ báng Tam Bảo.
Sự tích chuông chùa
Nguyên nhân
Một hôm nhà vua thỉnh Hoà thượng Chí Công và 500 chư Tăng vào cung để cúng dường trai Tăng.
Bà Hoàng hậu Hy Thị tức giận, bèn sai những người hầu cận giết 100 con chó đem làm nhân bánh ít để cúng dường chư Tăng.
Sau khi chư Tăng thọ trai xong ra về, Hoàng hậu Hy Thị liền tâu với vua rằng: “Xưa nay vua tin các vị Hoà thượng đã chứng đạo nên cung kính cúng dường.
Vừa rồi nhân bánh ít dâng cúng được làm bằng thịt 100 con chó. Mà chư Tăng không hề hay biết đã ăn hết như vậy thì đâu đã chứng đạo”.
Diễn biến
Vua Lương Võ Đế nghe vậy rất tức giận, bèn lên ngựa cùng lính hầu cận đến chùa để chém chư Tăng. Vừa đến cổng chùa, vua liền thấy Hoà thượng Chí Công đang dừng dưới gốc cây bồ đề. Vua hỏi:
Hoà Thượng ra đây làm gì?
Hoà thượng Chí Công đáp:
Ra đây đợi vua đến chém đầu, vì sợ ở trong chùa máu đổ hoen ố cửa Phật
Vua Lương Võ Đế rất ngạc nhiên và hỏi:
Hoà Thượng đã biết trước như vậy sao trưa nay khi thọ trai, bánh ít được làm bằng nhân thịt chó mà Hoà thượng và chư Tăng vẫn dùng?”
Hoà thượng Chí Công đáp:
Đêm qua trong lúc thiền định bần đạo đã biết ác tâm của Hoàng hậu. Nên đã sai Tăng chúng làm bánh ít chay bỏ vào tay áo tràng bên phải.
Khi ăn lấy bánh ít nhà vua dâng cúng bỏ vào tay áo bên trái đem về chôn và lấy bánh ít đem theo ra ăn.
Nói xong, Hoà thượng Chí Công mời nhà vua và tuỳ tùng cùng ra chỗ chôn bánh ít. Hoà thượng bảo chư Tăng đào lên thì bánh ít vẫn còn.
Hoà thượng Chí Công lấy nước làm phép và đọc thần chú, lập tức số bánh ít ấy được hiện thành 100 con chó.
Vua giật mình và quỳ xuống lạy sám hối rồi lặng lẽ hồi cung.
Ít lâu sau, Hoàng hậu Hy Thị lâm trọng bịnh và qua đời, nhà vua lo tang lễ chu toàn.
Hậu quả
Một hôm vào lúc đêm khuya đang ngồi trong cung tĩnh mịch. Vua Lương Võ Đế nghe có tiếng người kêu van thảm thiết, vua bèn lên tiếng hỏi:
Nhà ngươi là ai, đêm khuya thanh vắng nghiêm mật thế này lại vào đây được?
Liền có tiếng trả lời:
Hoàng đế ơi! Thần đây chính là Hy Thị vì quá độc ác, không tin Tam bảo gây nhiều tội lỗi.
Nên chết rồi thần thiếp bị đoạ làm rắn mãng xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vảy bị vi trùng rỉa ráy không thể chịu được.
Nghĩ đến tình cầm sắc trước kia, nên thần thiếp đến đây mong nhờ Hoàng đế tìm phương cứu thiếp” – nói rồi liền biến mất.
Nghe xong, vua Lương Võ Đế như thoát cơn ác mộng, lòng đau như dao cắt.
Lập đàn sám hối và chuông chùa ra đời
Ngày hôm sau lâm triều, vua đem chuyện ấy kể lại cho bá quang văn võ nghe để cùng vua tìm phương cứu vớt Hoàng hậu Hy Thị.
Các quang lại tâu vua, xin cung thỉnh Hoà thượng Chí Công lo việc này. Vua Lương Võ Đế chấp thuận, thỉnh cầu Hoà thượng Chí Công.
Triệu tập các vị danh Tăng, soạn ra cuốn Lương Hoàng Sám Pháp và lập đàn tràng sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị.
Đồng thời đúc đại hồng chung để hồi hướng công đức cầu siêu cho Hoàng hậu Hy Thị.
Nhà vua chí tâm thân hành lễ bái, trong đêm khuya giữa đàn tràn sám hối, tiếng đại hồng chung ngân vang, mùi hương thơm ngào ngạt khắp cả đạo tràng.
Hoàng hậu Hy Thị hiện thân tiên nữ xinh đẹp, tỏ lòng cảm ơn Hoà thượng và Hoàng đế.
Bà nói nhờ công đức đúc đại hồng chung, nhờ đàn tràn sám hối mà bà đã thoát nạn và đã được sanh lên cung trời Đao Lợi.
Đó là quả đại hồng chung đầu tiên trong lịch sử chuông chùa. Từ đó đến nay tất cả các chùa Phật giáo nhân đó mà đều rất chú trọng đến việc chú tạo đại hồng chung…
Xem thêm