Chùa Bích Động ở đâu?
Mục lục bài viết
Chùa Bích Động ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là di tích lịch sử quốc gia thuộc quần thể Tràng An – Tam Cốc – Bích Động.
Chùa được xây dựng trên núi đá vôi Thường Yên, tên nguyên bản “Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng“. Năm 1774 chúa Trịnh Sâm tới đây và đổi tên như ngày nay.
Chùa Bích Động là điển hình của chùa được xây dựng trong hang, cũng giống như chùa Bái Đính cổ. Phía dưới chùa là hang động nước.
Bích Động được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động”, có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam. Ngày nay người dân gọi với cái tên Xuyên Thủy Động.
♥ Xem thêm Chùa Bà Đanh Hà Nam
♥ Xem tiếp Tour Cát Bà 2 ngày 1 đêm
Lịch sử tên gọi
Chùa đươc xây dựng từ năm 1428 thời Hậu Lê vẫn là ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi.
Năm 1705, có hai vị hoà thượng Trí Kiên và Trí Thể quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em.
Hai nhà sư mộ đạo đã tiến hành tu sửa, xây dựng thành 3 chùa Hạ, Trung, Thượng để tu hành. Cho đến năm 1707 hai nhà sư đã đúc quả chuông đồng treo ở Động Tối.
Chùa được xây dựng theo chữ Tam tức là tam cấp, chia làm 3 tòa khác nhau. Và sự kết hợp giữa núi, chùa, động tạo nên sinh khí hài hòa.
Kính mời quý bạn cùng tôi tham quan, chiêm bái Chùa Bích Động để cảm nhận phần nào những giá trị lịch sử, phật học tồn tại mãi với thời gian.
Đến Bích Động bằng cách nào?
Từ Hà Nội hay một số tỉnh lân cận. Bạn có thể đến thăm chùa bằng xe máy hoặc ô tô tự lái rất dễ.
Xăng đầy bình, gương mũ, giấy tờ bảo hiểm đầy đủ là lên đường. Bạn chạy theo quốc lộ 1A khoảng 100km là tới Tam Cốc và chùa Bích Động.
Bạn đi ô tô cứ theo cao tốc Hà Nội – Ninh Bình là đến.
Thứ tự tham quan từ dưới lên trên Cổng chùa >> Chùa Hạ >. Chùa Trung >> Chùa Thượng sau khi kết thúc bạn đi đò tham quan Sơn Thủy Động.
Chùa Hạ
Lối dẫn vào chùa vắng lặng, những tàu lá chuối khô gục xuống buổi chiều tà. Ánh nắng vàng rực rỡ hắt trên mái chùa cong vút, qua từng phiến đá.
Cây hồng cổ khẳng khiu đu đưa quả, tiếng chó sủa đanh thép, tiếng chim muông nghe rõ mồn một. Cả khung trời trầm lắng màu rêu phong.
Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim.
Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá như thế là một kỳ công.
Chùa Trung và Động tối
Phía sau Chùa Hạ là lối dẫn lên Chùa Trung, ánh nắng chiều hắt qua khe núi, vẻ trầm mặc yên ả cứ in dấu trên mái ngói.
Thêm vài chục bậc đá nữa là lên đến nơi, chùa được xây dựng một phần trong hang, một phần lộ thiên với cái sân nhỏ. Chùa có ba gian thờ Phật.
Hướng sang trái là lối vào động tối, tiếng nước rơi tí tách từ những nhũ đá, một lối đi nhỏ khá ẩm ướt dẫn sau vào phía trong.
Động tối có treo một quả chuông đồng khá lớn do hai vị hòa thượng Trí Kiên và Trí Tuệ đã đúc năm 1707.
Ra khỏi động tối đi men theo nhiều bậc núi đá sẽ thấy Chùa Thượng.
Chùa Thượng
Những cậy thị mọc trên nền đá có lẽ đã vài trăm năm tuổi, me theo lối lên chùa. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ Quan Âm Bồ Tát.
Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động.
Từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn.
Gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.
Thăm Xuyên Thủy Động
Sau khi kết thúc tham quan Chùa Bích Động, đạp xe một vòng khoảng 300 mét nữa là điểm lên đò tham quan Xuyên Thủy Động.
Đây là động thông thủy từ bên này sang bên kia núi Trường Yên, điểm kết thúc có thể đi bộ và tham quan Chùa Bích Động.
Xuyên Thủy Động rộng khoảng 6 met và có chiều dài khoảng 350 mét. Nước trong động cũng khá sâu, ở trung tâm của động có giếng tiên.
Giếng Tiên là điểm nhấn của Xuyên Thủy Động, giếng thông với Chùa Bích Động, nước nhỏ giọt quanh năm ở đây.
Trong động có vô vàn hình thù giống đôi dòng sữa mẹ, chú khỉ ôm quả đào hay con cá sấu. Đặc biệt với hàng nghìn nhũ đá được ví như nghìn dòng sữa mẹ.
Vào cửa cha, ra cửa mẹ là câu ví của người dân nơi đây. Cửa cha xa xa là hình bóng của một người đàn ông thu nhỏ, từng người qua một vừa in khung hình đó.
Kết thúc 50 phút ngồi đò nghe thơ cũng là lúc quay về điểm xuất phát. Trời đã tối hẳn, và phố đã lên đèn.
Lúc này khung cảnh ngoài cửa động thật sự đẹp và rất đỗi thân quen.
Có dịp, mời bạn đến Chùa Bích Động tham quan một lần, tôi đảm bảo trong bạn sẽ giữ lại nhiều ấn tượng khó quên.